PHIÊN CHỢ KHÔNG NÓI THÁCH, KHÔNG MẶC CẢ Khống hiểu phiên chợ như thế có từ bao giờ nhưng đến nay nó vẫn được duy trì. Đó là phiên chợ của một làng vùng trung du gần thị xã Bắc Giang. Phiên chợ chỉ mở một ngày trong một năm vào sáng mồng 2 Tết âm lịch. Buổi sáng, nhà nhà trong làng và bà con trong vùng mang những nông sản như: thóc, gạo, đậu, lạc, rau tươi, hoa quả, gà, vịt.. ra chợ bán. Nhìn chung, phiên chợ này có hầu hết các loại hàng hoá như những phiên chợ nông thôn bình thường nhưng chỉ khác là số lượng bán ít hơn và người mua thì đông hơn. Phong tục hiếm có của phiên chợ đầu năm mới này là người bán không nói thách và người mua không mặc cả. Có những mặt hàng, người bán không cần đặt giá, người mua trả bao nhiêu tuỳ lòng. Người ta quan niệm ai bán chóng hết hàng thì người đó sẽ làm ăn may mắn suốt năm. Ai mua được hàng thì trong năm sẽ có “ lộc ” , gặp được những điều tốt lành. Bởi vậy phần đông người đi chợ vừa mang bán thứ hàng này vừa mua về thứ hàng khác. Nhiều khi việc mua bán ở đây chỉ mang tính hình thức. Chẳng hạn một bà mang mấy chục quả cam nếu khách không mua thì con cháu của bà xúm vào mua hết. Nếu thứ hàng mình cần mà trong chợ không có hoặc không còn thì người ta mua ngay thứ hàng khác. Người ta đi chợ bán và mua rồi về nhà với nét mặt vui tươi, thoải mái, tràn trề hy vọng về một năm mới tốt lành. Quả là giá cả khi mua bán không hề quan trọng. Tan chợ, trên đường về, mọi người hỏi chuyện nhau: Bà bán được những gì mà vui thế!